Lăng Tiến Sỹ tại Bãi Nam
A+ | A | A-
Ngày đăng: 13/02/2017
Cao Sơn cổ miếu hữu tri danh Tiến sĩ danh lăng lưu sở truyền Chiêm Thành mấy thuở gây biến loạn...

Description: http://sontra.danang.gov.vn/hinhanhsontra/langtiensy.png

Cao Sơn cổ miếu hữu tri danh
Tiến sĩ danh lăng lưu sở truyền
Chiêm Thành mấy thuở gây biến loạn
Hoàng đế Nam chinh tạo an dân
Phò vương Đốc tướng quân lương luỵ
Trung nghĩa đan tâm chiếu quân vương
Lương thần chính khí phô nhật nguyệt
Tổ quốc tri ân "Thượng đẳng thần".


Tạm dịch theo nghĩa xuôi:
Miếu cổ Cao Sơn (tức Cao Các Quảng Độ Đại vương) rõ biết tên. Còn lăng tiễn sĩ chỉ truyền lại chuyện Chiêm Thành nhiều lần gây biến loạn, khiến Hoàng đế phải Nam chinh dẹp loạn để yên dân. Phò vua, Ngài làm tướng chỉ huy vận tải quân lương nên bị hại. Tấm lòng trung nghĩa son sắc của Ngài, thấu đến vua. Ngài là bậc tôi trung tài ba, chính khí trải bày ngày tháng. Nước nhà mình tôn Ngài "Thần thượng đẳng".


Qua nghiên cứu lịch sử, đây là lăng thờ Đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng Giáp) Nguyễn Phục. Năm 1470, ông được vua Lê Thánh Tông giao trọng trách làm Đốc tướng chỉ huy vận tải quân lương. Chẳng may đoàn thuyền quân lương khi đến cửa Tùng (cửa Tư Khách) bị gió bão đành phải tránh bão. Ông nói: "Thà để mình ta chịu chết, chứ ta không nỡ để đoàn quân lương chìm sâu đáy biển, không chỉ ta chết, các khanh chết mà đại quân ta cũng sẽ chết vì thiếu lương thực". Do đó, thuyền quân lương đến nơi bị trễ mấy ngày. Chiếu theo quân lệnh thì tội xử trảm. Quan bộ Hình bèn cho gông cổ ông tại nơi đây, tức tại bãi Nam thuộc vùng vịnh Sơn Trà, nơi đại quân Việt tạm dừng chân để sáng sớm hôm sau giương cờ, giục trống tiến vào đánh chiếm Đại Chiêm (Cửa Đại - Hội An). Lúc bấy giờ Hoàng đế Lê Thánh Tông đang ngự thuyền tại bến Ô Long, tức Vịnh Hàn cùng với đạo Trung quân, chờ tiếp ứng cho cánh quân của tướng Tiên phong Cung Viễn (Cang Viễn), bí mật vượt đèo Hải Vân, đánh chiếm phòng tuyến Cu Đê, do tướng Chiêm là Bồng Nga Sa thủ giữ. Trong khi đó thì tướng Nguyễn Phục đã bị quân áp giải về làng Nước Mặn, nay thuộc địa phận phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn để xử chém. Và sau đó, vua Lê nhận được sớ tấu xin minh oan của tướng Nguyễn Phục, liền sai quân lệnh cầm lệnh bài tha đến nơi tướng Nguyễn Phục đang thọ hình. Lệnh bài của vua tha tội vừa đến nơi thì đầu của tướng Nguyễn Phục cũng vừa đã rơi. Vua Lê Thánh Tông lấy làm thương tiếc, bèn phong cho tướng Nguyễn Phục là "Phúc thần". Bởi cái chết bi thương rất oan uổng, nên Ngài rất linh ứng, Ngài thường thể hiện. Vào năm Kỷ Mùi - 1499, niên hiệu Cảnh Thống, đời vua Lê Hiến Tông, sắc phong là "Vân Trung Chính Nghị", lại gia phong "Minh Đạo Hiển ứng Thượng đẳng thần". Tương truyền rằng, trước đây, cạnh ngôi mộ của tướng Nguyễn Phục, còn có những ngôi mộ nhỏ khác và cho đó là những sĩ tốt theo Ngài đã tự sát sau cái chết oan uổng của Lương thần Chủ tướng Nguyễn Phục. Ngôi mộ của thần Nguyễn Phục đã được người con là Hoàng giáp Nguyễn Đạm (đỗ Đệ nhị Giáp tiến sĩ 1514), di dời về cải táng tại quê nhà, xã Thanh Tùng, huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Dương, xây lăng mộ thờ. Tại cửa Tùng, nơi Thần trú bão cũng có Lăng thờ Ngài. Và như vậy, trên địa bàn Đà Nẵng ngày nay, vì vô cùng cảm xúc và thương tiếc cho cái chết oan uổng vì đại nghiệp của Ngài, dân chúng địa phương đã xây dựng một Lăng thờ tại bãi Nam - Sơn Trà, nơi thần bị bắt gông cổ và một miếu thờ, tục gọi là Miễu Một tại nơi Thần thọ hình. Miễu Một nằm cạnh dòng sông Hàn, tiếp giáp với sông Cổ Cò (Lộ Cảnh giang), những năm trước đây, nước sông lên cao sạt lỡ làm đổ miếu, dân chúng địa phương đã di dời về xây lại Lăng thờ Thần kế cận đài tưởng niệm K.20, đường K.20, phường Khuê Mỹ ngày nay.


Nhân dân trong làng ghi nhận công trạng của ngài nên lập lăng để thờ. Rộng 60cm; dài 70cm; cao 1,5m (theo tên gọi của các cụ xưa, nhưng diện tích nhỏ này chỉ là miếu hoặc om). Bên trong lăng có chữ "thần" ghi nổi. Xây mới năm 1996.

Tin liên quan

 
 
 
Lượt truy cập: 345,301 Hôm qua: 1,737 - Hôm nay: 189 Tuần trước: 10,079 - Tuần này: 7,571 Tháng trước: 44,323 - Tháng này: 46,859 Đang trực tuyến: 46