
Từ xa xưa, người dân Sơn Trà cũng như bao người dân sống ở các làng quê đất Việt chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, nhưng bên cạnh đó họ còn làm nhiều nghề khác như đánh cá trên sông, trên biển... và đặc biệt là các nghề truyền thống mang đặc trưng của một địa phương vừa có biển, có sông, có núi và có đất sản xuất nông nghiệp nhưng lâu đời và có bề dày lịch sử nhất là nghề nông, nghề đánh cá ven sông, đánh bắt cá biển, nghề làm mắn ... là những nghề có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc du nhập vào thông qua những người đi tiên phong trong quá trình mở mang bờ cõi. Hiện nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và đô thị hoá một số làng nghề đã không còn phát triển như trước như nghề đóng thuyền, đan thúng, đan mây và cũng có những làng nghề không thể duy trì như làng hoa của phường Phước Mỹ.
Đất Sơn Trà có các nghề truyền thống lâu đời, nhất là nghề đánh bắt hải sản. Nghề đi biển đánh bắt hải sản gồm có các nghề giả cào, rê cản, câu mực khơi, lưới vây, mành, chà, rớ giả ruốc… Rất khó đánh giá và kết luận nghề nào có ưu thế hơn, bởi vì theo từng mùa, từng ngư trường mà có năng suất khác nhau. Nghề làm cá có từ lâu đời như làng cá Nam Thọ, Tân Thái, Mỹ Khê, An Hải..., và tạo ra nét riêng của văn hoá cư dân vùng biển. Đặc trưng văn hoá cơ bản nhất của dân cư vùng biển là: Chất phát, bản lĩnh, đồng đội, mang đậm tính dân gian, thể hiện qua tục ngữ “ăn sóng nói gió’’. Những ngư dân vùng biển Sơn Trà hiền lành, chất phác, chịu khó làm ăn, tích góp để có của ăn của để, phòng khi mất mùa hoặc những lúc chẳng may bị mất tài sản khi gặp bão, lúc này gọi là “biển giả” chứ không phải là “biển thật”. Chủ thuyền khi chia tiền cho bạn thuyền vẫn giữ lại một phần để làm quỹ chung, đến cuối mùa mới lấy số tiền đó chia đều cho nhau.
 |
Mặc dù thuyền nhỏ, các trang thiết bị sơ sài nhưng dựa vào kinh nghiệm, ngư dân vẫn luôn ra khơi bám biển, cho dù lúc đó thời tiết thất thường không thuận lợi. Trước cơn sóng dữ, ngư dân vẫn “vững tay lái, chắc tay chèo”, vượt qua những vùng nước xoáy rất nguy hiểm như “mũi nghê”, “ghành dang”... Tính đồng đội bạn thuyền thể hiện rất rõ nét, họ cùng chia xẻ những khó khăn từ khi đưa thuyền xuống bến cho đến khi đánh bắt được cá trở về. Khi đưa thuyền xuống bến, người ta xúm nhau lại để khiêng thuyền, hết thuyền này rồi đến thuyền khác, cứ thế mà tiếp tục. Khi đánh bắt, nhiều lúc bạn thuyền không có cái ăn, thì những thuyền khác sẵn sàng giúp đỡ cá ăn cho bạn thuyền.
Khi đánh cá, thường dùng các từ “hô la, hò la”… để tạo sức mạnh đồng bộ, nhịp nhàng, làm cho mẻ lưới có tỷ lệ cá thoát ra ít hơn. Những lúc hoạn nạn, vui buồn bạn thuyền đều có ở bên nhau gíup đỡ chia sẻ. Thông thường, vào ngày đầu năm mới, bạn thuyền kéo đến nhà chủ thuyền “Xông đất”, sau đó chúc phúc lẫn nhau. Trước đó, chủ thuyền tổ chức lễ cúng chọc tiết heo ngay tại nhà và chia phần cho bạn thuyền để có thịt ăn tết.
Làng cá nào cũng lập miếu thờ cá Ông, bãi biển nào cũng xây dựng miếu thờ những ngư dân không may bỏ mình ở biển khơi, và theo phong tục tập quán đều tổ chức kỵ Ông, cúng cô hồn. Việc cúng bái được thực hiện một cách bài bản, các văn tế mang đậm tính chất tâm linh, cầu mưa thuận gió hoà, trời yên biển lặng, các chuyến biển được đầy ắp cá tôm, thể hiện rõ nét nhất, sâu sắc nhất là Lễ hội cầu ngư, lễ hội đình làng, lễ Nghinh Ông… (đã được mô tả phần trên).
Nghề làm mắm
Mắm ở Sơn Trà có các loại mắm ruốc, mắm nêm, mắm cá nục. Mắm cá nục thơm ngon hơn mắm nêm và nhạt hơn nên không cần pha thêm gia vị. Mắm ngọt vị cá, mặn vị muối. Mắm nêm là một loại món ăm độc đáo có tự lâu đời. Cư dân miền biển cũng chế biến loại cá con nhỏ bé này thành thứ nước mắm có nhiều chất đạm. Mắm nêm pha chế thành nước chấm để ăn thịt bê thui hoặc để chấm các loại rau luộc tuy phải thêm chanh, đường, bột ngột, ớt trái chín đỏ và thêm nước luộc rau cho đỡ mặn. Mắm ruốc là món ăn dân dã và thông dụng ở khắp nơi, ruốc là thứ gia vị chính yếu để hoà thành thứ nước chấm rau các loại. Nước trên mặt mắm ruốc có màu hổ phách là nước mắm nhĩ. Nước mắm nhĩ khi múc ra bát bỏ cơm vào cơm sẽ nổi chứ không chìm xuống đáy bát, đó là nước mắm nhĩ hảo hạng.
Nghề trồng hoa
Nghề trồng hoa của phường Phước Mỹ có từ lâu đời, nhưng trước đó chủ yếu trồng hoa để cúng, và thường bán vào ngày rằm, mồng một âm lịch hàng tháng. Hoa chủ yếu là vạn thọ, mào gà, các loại cúc... Cuộc sống phát triển, nhu cầu chơi hoa ngày càng tăng, nên từ những năm 1970, nhiều gia đình chuyển sang trồng hoa kiểng để phục vụ nhu cầu của người dân thành phố. Những loại hoa phổ biến gồm cúc đại đoá, loa kèn, thược dược, hướng dương, hồng..., sau có thêm lay ơn, đồng tiền, cẩm chướng ...
Những năm gần đây do quá trình đô thị hoá phát triển nhanh, đất nông nghiệp bị thu hẹp nên nghề trồng hoa còn rất ít, chủ yếu trồng các loại cây cảnh, bon sai trong chậu kiểng đem bán hoặc để cho gia đình thưởng thức.
Nghề bắt cá trên sông
Ngày xưa, cư dân ở ven sông Hàn thường là những người dân nghèo, sáng sớm, họ chèo ghe ra sông đánh bắt cá, được bao nhiêu, vợ con mang ra chợ ngồi bán. Thời trước, người dân bắt cá tôm bằng nhiều nghề từ lưới bén, rớ chồ, rớ thuyền… Nghề rớ chồ sử dụng lưới có diện tích bề mặt từ ba đến năm trăm mét vuông. Để hành nghề, họ chọn khúc sông nào nhiều cá hay qua lại, dựng một cái chồ cố định, phía trước lưới được căng ra, có bốn cọc giữ bốn góc.
 |
Ảnh minh họa: Nghề bắt cá trên sông |
Đêm đến họ ngồi trong chồ điều khiển cho lưới hạ xuống dưới mặt sông, tuỳ theo con nước mà điểu chỉnh thời gian kéo lên nhanh hay chậm. Nghề rớ thuyền có dụng cụ đánh bắt vẫn là rớ, nhưng nhỏ hơn. Chỗ hành nghề không cố định, hễ thấy chỗ nào có nhiều cá tôm, họ thả rớ đã cột sẵn dưới đuôi thuyền xuống để bắt. Tuy nhiên gần đây, người dân xóm chài ít hành nghề rớ chồ và rớ thuyền, họ thường hành nghề chài, rồi lưới bén, lưới giã bát. Dụng cụ chài là lưới ni lông dài từ 10 đến 15 mét chuyên bắt cá ở độ sâu 10 đến 15 mét như cá úc, cá hanh, cá móm... Thông thường, lưới để sẵn trên thuyền, ngư dân đứng ngay tại chỗ vung ra xa, sau đó có hai chiếc thuyền con đi quanh, dùng chèo đập nước xua cá để chúng mắc vào lưới. Nghề lưới bén chuyên bắt cá rô, cá ngạch, cá đối. Để đánh bắt cá, họ dùng chiếc lưới dài thả lưới, gõ vào mạn thuyền, làm cho cá sợ mà chạy qua bên kia, vướng vào lưới đã giăng sẵn. Nghề giã bát là nghề sử dụng lưới nhỏ để bắt tôm. Càng ngày, nguồn thuỷ lợi trên sông gần cạn kiệt, người dân ven sông thường đổi nghề sang đánh bắt cá biển bằng cách đi bạn cho các chủ thuyền lớn, hoặc dành dụm đóng tàu vươn khơi, nhờ vậy, đời sống nhiều ngư dân khá lên một cách rõ rệt, nhất là thực hiện chủ trương giải toả, di dời, chỉnh trang đô thị, nhiều nhà chồ tạm bợ của ngư dân phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc không còn nữa, nâng cao chất lượng cuộc sống của những ngư dân vùng ven sông./.
 |
.png) |
Nghề đan mây và dệt ở Thọ Quang |
Nghề đóng thuyền, đan thúng ở Thọ Quang |
Nhân Văn